Cơ khí Việt Nam phụ thuộc nguồn cung nước ngoài quá lớn
13/06/2016 16:33 PM
80% thị trường cơ khí trong nước thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Đây là khẳng định của ông Trần Việt Dũng, Phó Giám đốc Công ty Tổ chức triển lãm VCCI tại cuộc họp thông tin liên quan tới Triển lãm Quốc tế về Máy và công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại (MTA Hanoi) tổ chức sáng nay, 19/4 tại Hà Nội.
Đây cũng là lý do vì sao từ khi MTAHanoi, triển lãm được xem là lớn nhất về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại, có mặt tại Hà Nội từ năm 2010 số số doanh nghiệp ngoại luôn chiếm con số áp đảo. Năm 2016 cũng không phải là ngoại lệ khi trong số 175 doanh nghiệp trưng bày thì có tới 71% đến từ nước ngoài. Điều này không có nghĩa là 29% doanh nghiệp còn lại là doanh nghiệp Việt Nam.
“Những doanh nghiệp FDI có cơ sở hoặc văn phòng đặt tại Việt Nam hoặc có hợp tác kinh doanh, liên kết với những doanh nghiệp Việt Nam cũng nằm trong số 29% này, 71% doanh nghiệp đến từ nước ngoài được xem là những doanh nghiệp sản xuất hoàn toàn tại thị trường nước ngoài.” ông BT Tee, Phó trưởng Văn phòng đại diện Công ty Dịch vụ Triển lãm Singapore tại Việt Nam nói.
Nếu nói như vậy thì số những sản phẩm trưng bày tại triển lãm vừa “made in Vietnam” vừa thiết kế tại Việt Nam trưng bày tại triển lãm này là con số quá nhỏ.
“Sản phẩm của Honda sản xuất tại Việt Nam sẽ được coi là những sản phẩm “made in Vietnam” nhưng nó không có nghĩa là được thiết kế tại Việt Nam. Theo định nghĩa này thì tất cả những sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đều được gắn mác “made in Vietnam””, ông Tee nhấn mạnh thêm.
Lý giải nguyên nhân này, ông Tee cho rằng, Việt Nam xuất phát điểm thấp trong khi đó việc chế tạo máy móc là việc không hề dễ dàng.
Lấy ví dụ, Singapore bắt đầu thiết kế máy móc từ những năm 1980 nhưng đến nay, những sản phẩm thực sự “made in Singapore” và được “thiết kế” chính hãng tại Singapore mới bắt đầu xuất hiện trên thị trường.
Nếu nói trên bình diện thị trường thì Việt Nam được xem là thị trường khá tiềm năng khi thời điểm năm 2015 được xem là cột mốc quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất với hàng loạt các hiệp định kinh tế lớn như: TPP và các FTAs.
Nền kinh tế Việt Nam theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có thể là nền kinh tế phát triển nhất trong số 6 quốc gia tại khu vực Đông Nam Á.
Cũng theo thống kê từ Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quý 1/2016, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm đã đạt 4,026 tỷ USD, tăng 119,1% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 216dự án đầu tư đăng ký mới với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 2,9 tỷ USD, chiếm 72,2% tổng vốn đầu tư trong quý.
Bức tranh tiềm năng của thị trường Việt Nam còn được ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) khái quát qua việc Việt Nam đã ký FTA Hàn –Việt, FTA Việt Nam –EU. Điều này đã biến Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Cùng với các FTAs này là việc ký hiệp định TPP trong đó có một số quốc gia thành viên mạnh như Mỹ, Nhật Bản khiến nhiều chuyên gia nhận định trong tương lai, nền kinh tế Việt Nam se có bước ngoặt lớn.
Trong khi, mặc dù GDP của 12 quốc gia thành viên của TPP chiếm tới 36,8% GDP toàn cầu thì Việt Nam vẫn có GDP thấp nhất và nguồn lao động giá rẻ vẫn là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư vào Việt Nam.
Nhìn ở phương diện khác thì những yếu tố tưởng như bất lợi trên lại tạo cơ hội cho ngành chế tạo phát triển.
“Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn trong phát triển ngành bông sợi, may mặc, công nghiệp điện tử, hàng gia dụng, đầu tư phát triển điện và công nghiệp nặng. Những điều kiện phát triển này khiến các doanh nghiệp phải thay đổi công nghệ liên tục. Đó là lý do vì sao khá nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đến triển lãm MTA Hanoi qua các năm.”, ông Ha giải thích.
Như vậy, nhìn về tổng thể, tiềm năng phát triển nền kinh tế tại Việt Nam có thể được ví như thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam kéo theo việc hàng loạt các doanh nghiệp sẵn sàng tới Việt Nam để tham gia các cuộc triển lãm, hội thảo với kỳ vọng có thể tìm được đối tác ký kết hợp đồng hợp tác với các doanh nghiệp mà chủ yếu là các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Ví dụ cho chuỗi ảnh hưởng này có thể kể tới là Hàn Quốc. Tại Việt Nam, Hàn Quốc là quốc gia có làn sóng đầu tư FDI mạnh mẽ với tổng vốn đầu tư 25 tỷ USD. Ngoài việc dẫn đầu bởi 2 tập đoàn công nghệ lớn là Samsung và LG thì phần lớn các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hướng sự quan tâm đến ngành công nghiệp sản xuất và chế biến với khoảng 2.566 dự án có tổng giá trị lên tới 24,3 tỷ USD, chiếm hơn 90% tổng số vốn đăng ký.
Lợi thế này đã khiến số doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia triển lãm MTA Hanoi 2016 tăng lên gấp 4 lần so với kỳ triển lãm trước với sự góp mặt của 16 công ty, chiếm 9,14% tổng số đơn vị tham gia.
Điều này đang thể hiện rõ một thực tế là trong ngành cơ khí chế tạo, doanh nghiệp Việt Nam đang thực sự nép vế và những cơ hội về hợp tác đầu tư cung cấp thiết bị cho những doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại chính thị trường Việt Nam vẫn là sân chơi chủ yếu cho các doanh nghiệp ngoại.