Công nghiệp hỗ trợ: Có thúc mới chóng lớn
13/06/2016 16:43 PM
“Nếu chính quyền TP.Hồ Chí Minh cam kết hỗ trợ lãi suất vay vốn trong thời gian dài thì doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ sẵn sàng đầu tư, yên tâm ký hợp đồng cung cấp sản phẩm với khách hàng. Lâu nay vì vốn ít, lãi vay cao, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ rất khó... cựa quậy”. Đó là chia sẻ của ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, khi ông được lãnh đạo thành phố cho biết, từ tháng 9 này sẽ hỗ trợ lãi vay để doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Ưu đãi vay vốn và lãi suất
Theo ông Tất Thành Cang, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, thành phố sẽ hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp (DN) vay vốn đầu tư nhà xưởng, mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất với mức hỗ trợ 50-70% hoặc 100% lãi suất trong thời gian 5-7 năm để giúp DN có điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đầu mối giới thiệu cho DN biết thêm thông tin về chương trình kích cầu hỗ trợ lãi vay này là Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.Hồ Chí Minh - đơn vị vừa được công bố thành lập ngày 26/8 vừa qua.
Theo ông Cang, TP.Hồ Chí Minh dù đã phát triển công nghiệp mấy chục năm nhưng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ vẫn còn “non trẻ”. Chính quyền thành phố sẽ tiếp tục tập trung khuyến khích đầu tư ngành điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí, chế biến tinh lương thực thực phẩm, hóa dược, cao su, dệt may, da giày. Ông Cang cho biết trong vài năm tới, thành phố sẽ chọn lọc một số sản phẩm công nghiệp tiêu biểu và công nghiệp hỗ trợ của một số ngành cơ khí, điện tử, dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, cao su... để vừa cung ứng trong nước vừa xuất khẩu ra nước ngoài, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.
Đại diện cho cộng đồng DN, ông Huỳnh Văn Minh nhận định, đa số DN tại TP. Hồ Chí Minh có quy mô sản xuất nhỏ và vừa, phù hợp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nhưng rất tiếc lâu nay DN thiếu thông tin, thiếu nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào, lúng túng về khâu tiêu thụ sản phẩm... Sự kết nối cung - cầu giữa các DN còn rời rạc và các DN nhỏ và vừa cảm thấy hụt hẫng trong cuộc chơi.
Theo ông Minh, thời gian qua, nguồn vốn và lãi suất là hai yếu tố làm cho tư tưởng tiến công của DN bị hạn chế, nhất là khi đầu tư trung hạn và dài hạn cần điều kiện về lãi suất ổn định. “Lãi suất ở Việt Nam hiện quanh quẩn ở mức 10%, nếu so với DN một số nước lân cận có thể huy động vốn với mức lãi suất chỉ khoảng 2-3%, sản phẩm của DN trong nước vẫn khó cạnh tranh”, ông Minh phân tích thêm.